Ngành Công thương Gia Lai chủ động hội nhập kinh tế quốc tế
(12-05-2021)
Trải qua các thời kỳ, ngành Công thương Gia Lai đạt được những thành tựu to lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển, chuyển đổi cơ chế quản lý, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Công nghiệp phát triển vững mạnh
Từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, ngành Công thương đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới tích cực toàn diện, nhất là về quản lý kinh tế, xây dựng ngành ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh về lĩnh vực công thương trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các chủ thể sản xuất kinh doanh tăng nhanh về số lượng và chất lượng.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Thời gian qua, nhiều dự án được đầu tư và đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như các nhà máy đường, xi măng, chế biến hạt điều, cà phê, tinh bột mì, khoáng sản, gỗ, cao su, chè…
Công nghiệp sản xuất điện có những bước tiến nhảy vọt với nhiều nhà máy thủy điện, dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các dự án điện gió đang triển khai và dự kiến vận hành thương mại trong năm nay sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo |
Năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đến 66% giá trị toàn ngành; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.518 tỷ đồng, gấp 1,48 lần so với năm 2015, tăng bình quân hàng năm 8,2%.
|
Đến nay, toàn tỉnh có 49 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2.246,15 MW. Lĩnh vực năng lượng tái tạo có 2 nhà máy điện sinh khối từ bã mía đang vận hành với tổng công suất 144,6 MW; 2 dự án điện mặt trời đang vận hành với tổng công suất 84 MWp, tổng vốn đầu tư là 1.569 tỷ đồng; 2 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư với tổng quy mô công suất 74 MWp và tổng vốn đầu tư dự kiến 1.708,65 tỷ đồng; 5 dự án điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất 654 MWp; 10 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là 1.125 MWp; 25 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất dự kiến là 4.563,5 MWp.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3.248 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất gần 604 MWp. Cùng với đó, có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương và đang triển khai đầu tư với tổng quy mô công suất 1.242,4 MW và tổng vốn đầu tư dự kiến 43.197 tỷ đồng; 89 dự án điện gió đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất hơn 11.559 MW; 9 dự án điện gió đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, tổng quy mô công suất dự kiến 1.221,4 MW.
Theo ông Phạm Văn Binh, việc phát triển nguồn năng lượng sạch đã thu hút một số lượng lớn nguồn vốn đầu tư vào tỉnh, trung bình 1 MW điện gió có mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, 1 MW điện mặt trời nối lưới có mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, 1 MW thủy điện có mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, 1 MW điện mặt trời mái nhà có mức đầu tư 15 tỷ đồng. Đồng thời, từ nguồn lực đầu tư này cũng đã phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tạo ra hình ảnh mới có tác động tích cực cho ngành Du lịch của tỉnh.
Đối với ngành công nghiệp chế biến, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung với quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa. Từ năm 2010, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm gần 60% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, ngành công nghiệp phát triển theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo. Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư, bước đầu phát huy hiệu quả.
Thương mại, xuất khẩu tăng trưởng nhanh
Những năm gần đây, hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm được hình thành và có xu hướng tăng dần. Toàn tỉnh hiện có 94 chợ hoạt động mua bán thường xuyên tại các địa phương và 19 siêu thị hoạt động kinh doanh mua bán tại các thị trấn, thị xã và TP. Pleiku. Sản phẩm hàng hóa đặc trưng tiêu biểu của tỉnh dần có thương hiệu trên thị trường, đáp ứng nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của xã hội, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp chủ lực xuất khẩu của tỉnh với kim ngạch bình quân đạt khoảng 150 triệu USD/năm. Ảnh: Vũ Thảo |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3.136 doanh nghiệp, trong đó 1.740 doanh nghiệp hoạt động công nghiệp, 1.396 doanh nghiệp hoạt động thương mại; 33.510 hộ cá thể hoạt động sản xuất kinh doanh công nghiệp và thương mại.
|
Cùng với đó, hoạt động xuất khẩu có sự tăng trưởng rõ nét qua từng năm. Toàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm trên 40%. Hầu hết doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, sản phẩm gỗ... đã có mặt trên thị trường của gần 50 quốc gia. Đặc biệt, một số ngành hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu 200-300 triệu USD/năm. Tỉnh ta ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tàu xuất khẩu chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn của cả nước như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp…
Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho biết: Mỗi năm, Vĩnh Hiệp xuất khẩu khoảng 70 ngàn tấn cà phê ra thị trường hơn 50 quốc gia, trong đó có 60% xuất sang thị trường châu Âu. Hiện nay, Công ty đang cùng các tổ hợp tác và nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp sản xuất cà phê organic đầu tiên tại Việt Nam được công nhận của tổ chức Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hội nhập, vươn xa
Trong quá trình quản lý, điều hành, ngành Công thương đã chỉ đạo sát sao việc nghiên cứu nội dung hội nhập quốc tế gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành, đơn vị để cán bộ, công chức, viên chức có sự nghiên cứu sâu rộng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; phù hợp với các nội dung cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết; nhất là các hiệp định CPTPP, VFTA. Qua đó, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và cộng đồng về hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường tại các nước đối tác của các FTA và khai thác các lợi ích do các FTA mang lại.
Dây chuyền chế biến của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
|
Trong 5 năm tới, Sở Công thương sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như: tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản để xuất khẩu; phát triển mạnh công nghiệp năng lượng tái tạo phù hợp với lợi thế của tỉnh; hình thành các khu-cụm công nghiệp trên các trục quốc lộ có tính kết nối cao, trung tâm công nghiệp tập trung chế biến nông-lâm sản; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển điện mặt trời, điện gió. Bên cạnh đó là triển khai các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng tỷ trọng xuất khẩu qua chế biến sâu.
Thực hiện giải pháp về lĩnh vực thương mại, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống chợ và các kết cấu hạ tầng thương mại trọng điểm của tỉnh. Tổ chức hoạt động điều tiết lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường. Thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược và kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh nhằm tăng lợi nhuận, bảo đảm việc làm có tăng thu nhập, tăng các khoản nộp ngân sách và tích lũy vốn để tái đầu tư.
Theo Báo Gia Lai
Các tin khác
- Hội nghị AFTA 35: Nâng cấp Hiệp định ATIGA, bổ sung danh mục hàng hóa thiết yếu (12-05-2021)
- Đăng ký tham gia xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 năm 2022 (12-05-2021)
- Mời tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Ấn Độ (12-05-2021)
- Mời tham dự Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản 2021 (12-05-2021)
- Ngành Công Thương: 70 năm xây dựng và phát triển (12-05-2021)
Quảng cáo